| 0 nhận xét ]

Từng dồn vốn liếng, tài năng, công sức và gặt hái được những thành công nhất định trong kinh doanh, đến thời điểm này, những ông chủ 8X tại Việt Nam vẫn tin tưởng ở khả năng phát triển của mình.

‘Sếp’ 8X trong thời suy thoái

Phương Hạnh - Cô chủ xinh xắn của thương hiệu thiếp Blue Angel

Tự tin mở rộng quy mô

Năm 2003, khi còn là sinh viên năm thứ nhất ĐH Ngoại thương Hà Nội, Phương Hạnh đã sản xuất thiếp và mang đi phân phối khắp các cửa hàng ở Hà Nội. 2 năm sau đó, cô bạn sinh năm 1986 này đã đoạt giải nhì tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo do đoàn trường Ngoại thương tổ chức, giải nhì của cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai do tập đoàn Kawai (Nhật Bản) tài trợ. Đó chính là động lực để Hạnh “dấn thân” vào con đường kinh doanh thiếp và quà tặng.

Năm 2007, shop Blue Angel chính thức được khai trương tại 158 Trần Quốc Toản (Hà Nội) với mặt hàng chủ yếu là thiếp và quà tặng. Cùng với những đàn anh đi trước, Phương Hạnh là một trong những gương mặt được bạn bè khâm phục bởi khả năng kinh doanh và quản lý.

Công việc khá thuận lợi nên việc kinh doanh của Phương Hạnh trong năm đầu tiên tiến triển tốt. Tuy nhiên, đến giữa 2008, giá cả các mặt hàng, đặc biệt là giá nguyên liệu làm thiếp tăng gần 2 lần thì cô chủ xinh xắn của thương hiệu Blue Angel thực sự lo lắng.

“Sau khi tính toán kỹ thì mình quyết định là tăng giá bán sản phẩm, nhưng chỉ tăng ở loại thiếp có giá khá bình dân, từ 4.000 đồng/chiếc, mình đã tăng lên thành 7.000 đồng/chiếc, ngoài ra cũng tăng nhưng không đáng kể đối với những loại thiếp to vốn có giá trên 15.000 đồng/chiếc. Sau khi tăng giá thì mình nhận thấy khách hàng không bất ngờ mà mức tiêu thụ cũng không hề giảm cho nên mình cũng khá yên tâm với chiến lược tăng giá đó”- Hạnh chia sẻ.

‘Sếp’ 8X trong thời suy thoái

Đến đầu năm 2009, Phương Hạnh đã mạnh dạn mở thêm một shop Blue Angel ở phố Quán Thánh. So với địa điểm ở phố Trần Quốc Toản thì shop mới này có diện tích lớn hơn, sản phẩm nhiều hơn, và theo kế hoạch của cô, trong năm nay sẽ mở thêm một shop ở Hà Nội và Hải Phòng để tiếp tục mở rộng thị trường.

“Cuối năm 2008, mình đã cảm nhận được phần nào sự ảnh hưởng của kinh tế đến nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, đặc biệt là mùa quà tặng vừa rồi doanh số giảm khoảng 20% so với năm ngoái, mình thực sự rất lo lắng. Nhưng cân nhắc lại thì mình thấy quà tặng luôn có một đối tượng khách hàng nhất định sử dụng nó, cho nên mình nghĩ tình hình không bi đát như mình tưởng và mình quyết định mở thêm một địa điểm để phát triển thương hiệu”- Hạnh cho biết

23 tuổi, xinh xắn, có một việc làm ổn định tại ngân hàng HSBC, nhưng niềm đam mê vô tận của Phương Hạnh vẫn là những món đồ nhỏ xinh, có lẽ đó chính là động lực giúp thương hiệu thiếp Blue Angel vẫn phát triển trước sự lụi tàn dần của những thương hiệu khác.

Vững vàng khi quản lý 70 người đều thuộc 8X

‘Sếp’ 8X trong thời suy thoái

Nguyễn Xuân Tài - Giám đốc Công ty Naiscorp

Phải đến ngày thứ 3 người viết mới gặp được Nguyễn Xuân Tài, sinh năm 1983, Giám đốc công ty của Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Thông tin Naiscorp, bởi anh đang gấp rút mọi công việc để chuẩn bị cho ngày công bố tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG chính thức trở thành nhà đầu tư của doanh nghiệp này.

“Sau 3 năm ấp ủ thì cổng tìm kiếm của công ty đã hoàn thiện về công nghệ, dù đây là thời điểm khó khăn nhưng điều quan trọng là công ty vẫn hoạt động rất vững vàng và nhận được sự đầu tư của IDG”- Xuân Tài vui vẻ chia sẻ.

Lập công ty từ tháng 8/2006, Naiscorp sớm nhận được sư quan tâm trong giới IT với sản phẩm là cổng thông tin tìm kiếm socbay.com. Đó cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp IT “mọc lên như nấm” cùng với sự bùng nổ về công nghệ thông tin ở Việt Nam. Đến cuối năm 2008, một loạt những doanh nghiệp trong lĩnh vực IT tan rã, thế nhưng, Naiscorp không chỉ đứng vững mà sắp bước sang một giai đoạn phát triển mới.

“Khởi nghiệp khi mới tốt nghiệp đại học, mình và các bạn đều có nhiều mơ ước, hoài bão lớn, nhưng vì thời đó khởi nghiệp với số vốn rất ít ỏi nên bước đi đều được tính toán rất kỹ để đạt hiệu quả cao mà chi phí thấp. Cho nên, ngay từ đầu các thành viên của công ty đã có kỷ luật về việc tiết kiệm, tránh những lãng phí mà các ông chủ 8X vẫn thường gặp phải”.

Trong năm qua, nguồn thu của Naiscorp từ việc kinh doanh sản phẩm công nghệ của mình đủ để trả mọi chi phí và số tiền lương của gần 70 thành viên. Khó khăn lớn nhất mà Xuân Tài chia sẻ là do sự tác động của nền kinh tế thế giới, việc xây dựng khách hàng, gia tăng lợi nhuận gặp nhiều khó khăn hơn trước.

‘Sếp’ 8X trong thời suy thoái

Xuân Tài (giữa) và những người bạn sát cánh từ những ngày đầu lập công ty

Vì thế, để mở rộng thị trường, trong năm 2009 này, Naiscorp sẽ tiến xa hơn tại các tỉnh thành trong nước chứ không chỉ ở Hà Nội, TP HCM, và quan trọng hơn nữa, sản phẩm chiến lược của công ty là cổng tìm kiếm Sóc Bay sẽ chính thức bước vào thị trường tìm kiếm ở Việt Nam.

Trên đây chỉ là hai gương mặt trong số khá nhiều các sếp thuộc thế hệ 8X ở Việt Nam, họ là những minh chứng cho thấy, dù ở thời điểm khó khăn nào, nếu có tài năng, tâm huyết và chiến lược quản lý phù hợp thì doanh nghiệp vẫn không ngừng đi lên.

Thủy Nguyên

0 nhận xét

Đăng nhận xét